Chưa nghiệm thu vẫn bàn giao cho dân vào ở

Theo Văn phòng UBND TP Vinh (Nghệ An) trên địa bàn hiện có 4 khu chung cư, nhà ở xã hội đã có dân cư chuyển vào sinh sống nhiều năm nay. Tuy nhiên, cả 4 khu này chưa hoàn thành thủ tục chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành xây dựng.

Toà nhà chung cư Mường Thanh Cửa Đông hoàn thành từ năm 2016 đến này vẫn chưa có kết quả nghiệm thu công trình nhưng có hàng trăm người dân vào ở.

Đơn cử, khu chung cư cao 31 tầng với 535 căn hộ ở số 72 Lê Lợi (TP Vinh), do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn làm chủ đầu tư. Chung cư này hoàn thành và bàn giao căn hộ từ năm 2018, đến nay có gần 500 hộ dân đến sinh sống nhưng tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu vì dự án chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An.

Theo những người dân ở đây, họ chuyển đến ở hơn 5 năm nhưng chưa được cấp sổ hồng, luôn sống bất an vì tòa nhà chưa đủ điều kiện để ở.

Tương tự, 3 tòa nhà khác là chung cư Mường Thanh Cửa Đông (phường Hưng Dũng) do Công ty CP Du lịch Dầu khí Phương Đông đầu tư, khu chung cư 18 tầng (khối 20, phường Hưng Bình) của Công ty CP Đầu tư sản xuất và TM Thành Vinh và chung cư nhà ở xã hội (xóm 15, xã Nghi Phú) do Công ty TNHH Trường Thành, làm chủ đầu tư cũng chưa được nghiệm thu dù người dân đã vào ở từ nhiều năm qua.

Người dân ở đâu?

Mới đây, tại buổi làm việc với các sở, ngành, chủ đầu tư dự án và khách hàng liên quan, ông Lê Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh cho biết, các chung cư chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu, hoàn thành công trình xây dựng theo quy định nhưng chủ đầu tư cho khách hàng mua căn hộ vào ở là hành vi vi phạm pháp luật. Chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản nêu trên.

Nhiều năm qua, cư dân Chung cư Bảo Sơn liên tục căng băng rôn đòi quyền lợi.

Lãnh đạo TP Vinh đề nghị các chủ đầu tư dự án tổ chức làm việc với các hộ dân để thành lập ban đại diện khách hàng, khẩn trương khắc phục các tồn tại, vướng mắc và hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét kết quả nghiệm thu.

UBND thành phố cũng yêu cầu, trong thời gian chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu, các chủ đầu tư thông báo cho người dân tạm thời di chuyển, không sinh sống tại các chung cư kể trên... Chủ đầu tư chịu hoàn toàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố, mất an toàn cho các hộ dân, khách hàng ở dự án.

Về toà nhà chung cư, nhà ở xã hội 10 tầng tại xóm 15, xã Nghi Phú đã cho phép 63 hộ dân vào ở từ năm 2018 nhưng chưa hoàn thành nghiệm thu xây dựng.

Toà nhà chung cư 31 tầng của Tập đoàn Bảo Sơn xây dựng cho 500 hộ dân vào ở khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư.

"Khoảng 200 người đang sinh sống ở chung cư nhà ở xã hội là những đối tượng được xét duyệt. Do chung cư này chưa bàn giao nghiệm thu nên chưa xác định chủ đầu tư cho phép người dân vào ở bằng hình thức nào. Người dân ở ổn định 6 năm, bây giờ khó khăn cho địa phương xử lý", đại diện UBND xã Nghi Phú cho biết.

Riêng khu chung cư 72 Lê Lợi, TP Vinh, do Tập đoàn Bảo Sơn làm chủ đầu tư, chưa có chủ trương chấp thuận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền. Lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường để thanh tra toàn bộ vụ việc, sớm đưa ra kết luận.

Bàn giao nhà đã nhiều năm, giờ chúng tôi dời đi đâu?

Ông N.M.H. đang ở chung cư Bảo Sơn cho biết, người dân vào sinh sống ở đây được 4-5 năm nhưng vẫn không được cấp "sổ hồng".

Cư dân ở đây thực hiện theo đúng hợp đồng mua bán căn hộ, việc chưa có sổ giấy tờ khiến người dân không thể thực hiện được các thủ tục giấy tờ liên quan. "Chúng tôi đã thanh toán gần hết các khoản chi phí mà nhà đầu tư yêu cầu, chỉ còn 50 triệu đồng là khi nhận được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Tài sản, của chúng tôi đều ở đây, nay nói tạm di dời để hoàn thiện thì đi đâu. Làm gì cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người dân", ông H. nói.

Quyền lợi người mua đảm bảo như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Văn Phòng Luật Sư Tuổi Trẻ ở TP Vinh cho rằng, phải làm rõ văn bản nào quy định "Cho người dân tạm thời di chuyển, không sinh sống tại các chung cư chưa hoàn thiện kể trên".

Trong trường hợp chung cư chưa đủ điều kiện để hoạt động nhưng chủ đầu tư đã cho khách hàng vào ở, thì phải cho dân ra khỏi chung cư để hoàn thiện. Khi có căn cứ, cơ quan hành chính nhà nước mới ban hành quyết định yêu cầu người dân ra khỏi chung cư. Đó là về mặt quản lý hành chính nhà nước.

Còn về mặt quan hệ dân sự, khi chủ đầu tư bán nhà chưa đủ điều kiện cho vào ở thì trong trường hợp cơ quan nhà nước yêu cầu ra khỏi nhà đó để hoàn thiện các hạng mục theo quy định thì chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn chi phí di dời, chỗ ở, thiệt hại…kể cả người dân vào đó làm đầy đủ nội thất mà quá trình chỉnh sửa hư hỏng thì chủ đầu tư phải đền toàn bộ", luật sư Nguyễn Hữu Liêm chia sẻ.

Cũng theo luật sư Nguyễn Hữu Liêm, "Nếu chủ đầu tư không chịu, nhà nước phạt chủ đầu tư, trong trường hợp này quyền lợi của người dân hoàn toàn được đảm bảo vì chủ đầu tư kinh doanh nhà ở chuyên nghiệp thì phải biết rằng bao giờ cho khách hàng vào ở được, nếu chưa đủ các điều kiện mà vẫn cho vào ở là trách nhiệm hoàn toàn thuộc vào chủ đầu tư".

Trường hợp có thể bị buộc di dời ra khỏi nơi ở khi công trình chưa đủ điều kiện, người mua nhà là bên bị thiệt. Người mua có thể căn cứ các thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết, căn cứ vào các quy định pháp luật... để yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện những công việc tiếp theo và bồi thường thiệt hại. Nếu lỗi của chủ đầu tư dẫn đến việc buộc phải di dời khỏi nhà đã mua nhưng chủ đầu tư không thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua nhà thì họ có thể khởi kiện ra tòa.

Trong một số trường hợp, nếu có dấu hiệu chủ đầu tư có những hành vi lừa dối khách hàng hoặc bán sản phẩm không đủ điều kiện, người mua có thể tố giác tới các cơ quan có thẩm quyền...